Từ “đói khát” có lẽ không còn mấy ai bận tâm trong cuộc sống thường nhật hiện nay nữa. Hy hữu lắm ai đó mới rơi vào cảnh đói khát. Đói khát đã từng là nỗi ám ảnh của một thế hệ, của một giai đoạn của đất nước. Đói khát dạy chúng ta rất nhiều điều quý giá.

Thấy gì khi nhìn người khác đói khát?

Lòng trắc ẩn được thức dậy. Không cần biết người đó là ai, khi họ lâm vào cảnh đói khát, chúng ta sẵn lòng chia sẻ với họ. Chúng ta sẵn lòng chia sớt hoặc nhường phần thức ăn của mình cho họ. Ở điều kiện thuận tiện hơn, chúng ta còn có thể mua cho họ một suất ăn mới. Đôi khi dúi vào tay họ ít tiền để họ có cái ăn vào ngày mai.

Suy ngẫm về bản thân mình. Thấy mình thật may mắn khi không phải lâm vào cảnh đói khát giống họ. Trân quý những bữa ăn mình có, những thứ mình đang có hiện tại.

Nhớ về quá khứ tương tự của bản thân. Nếu ai đã từng trải qua đói khát, hẳn những ký ước đó hiện về tươi mới như ngày hôm qua.

Hiểu được giá trị của đồ ăn, thức uống. Khi nhìn ai đó ăn ngấu nghiến, ngon lành, hạnh phúc một món ăn hay thức uống nào đấy vì đói khát chúng ta hiểu được rằng, đồ ăn ngon như thế, quý giá như thế. Từ đó chúng ta quý trọng đồ ăn, thức uống hơn.

Tự dặn lòng không lãng phí đồ ăn. Khi nhìn thấy những hình ảnh đói khát chúng ta tự hiểu rằng, cuộc sống ở đâu đó còn khó khăn. Mình đã lãng phí đồ ăn thế nào trong khi người khác không có hoặc thiếu thốn.

Niềm vui khi ăn

Niềm vui khi ăn

Khi bản thân đói khát, cảm nhận được gì?

Mệt và chẳng làm được gì tốt như mong đợi. Khi đói khát đạt ngưỡng khiến cho cơ thể mệt mỏi rã rời, đầu óc mụ mị thì điều chúng ta quan tâm duy nhất là làm thế nào để sống sót. Mọi công việc, thú vui, mong ước khác dường như biến mất. Những việc chúng ta làm sẽ không có kết quả như mong đợi.

Chỉ muốn nghỉ ngơi. Đó là mong ước duy nhất để cơ thể có thể chịu đựng qua cơn đói khát.

Không ngủ được. Khi đói, mệt quá mức khiến cho cơ thể không thể ngủ được. Càng không ngủ được lại càng mệt và đói. Đó là một vòng luẩn quẩn thách thức con người tìm ra giải pháp để vượt qua điều này.

Mọi đồ ăn thức uống đều tươi, ngon hơn. Ngày thường có thể chúng ta sẽ lựa chọn rất nhiều đồ ăn thức uống cho bản thân. Khi đói khát, mọi đồ ăn thức uống luôn mang đến cảm giác tươi ngon, ngọt lành đến mức chẳng cần lựa chọn.

Kiếm một thứ gì đấy để ăn và uống. Một giọt nước vương trên bờ môi cũng đã thấy hạnh phúc và đủ giải tỏa một chút căng thẳng. Một miếng ăn bé xíu bằng đầu ngón tay út cũng giúp cho cơ thể cảm thấy khỏe hơn.

Hiểu sâu sắc câu nói: một miếng khi đói bằng gói khi no. Một chút đồ ăn, thức uống ngay khi đói khát sẽ vô cùng giá trị. Nếu ai đó cho ta đồ ăn, thức uống ngay lúc đó, chúng ta sẽ ấn tượng và mang ơn người đó cả đời.

Đấu tranh tâm lý sâu sắc: “đói ăn vụng, túng làm càn”. Trong một lúc nào đó, có thể chúng ta đã nảy ra ý định vụng trộm ăn, uống một thứ gì đấy mà mình không được phép. Một cuộc đấu tranh tâm lý xảy ra. Nếu chúng ta vượt qua, sẽ cảm thấy hạnh phúc vì đã chiến thắng phần đen tối của chính mình. Nếu không vượt qua, sẽ là bài học để lập lại kỷ luật với bản thân và cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân.

Thử thách bản thân. Đói khát sẽ có một giới hạn nào đấy. Nếu con người vượt qua được giới hạn đó, sẽ là một trải nghiệm sâu sắc để bản thân biết rằng, có những giới hạn chịu đựng mới được thiết lập. Mọi giới hạn có thể được dỡ bỏ. Mọi thói quen và mặc định đối với ăn uống được xóa tan.

Đói và khát trong một chừng mực nào đó là không chết được. Khi đã trải qua một giới hạn đói khát nào đấy thì khi gặp trường hợp tương tự, bản thân đủ tự tin và bình tĩnh không lo lắng đến nguy hiểm tính mạng mà có thể có những giải pháp tốt hơn cho tình huống hiện tại.

Biết được sự kỳ diệu của cơ thể. Các tế bào trong cơ thể con người biết tự cứu sống nó. Mọi thứ được đưa vào hoàn cảnh để thích nghi. Cơ thể tự thích nghi và điều chỉnh để duy trì sự sống. Vì thế, cái chết không thể đến dễ dàng được nếu chúng ta hiểu được cách vận hành và sự kỳ diệu của các tế bào.

Dạy con trẻ sự đói khát

Đói khát mang lại những bài học, trải nghiệm giá trị như thế. Điều này càng có giá trị khi cho con trẻ trải nghiệm sự đói khát.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ con trẻ xem chuyện ăn là một nghĩa vụ, là một điều chán chường nhất trên đời. Đa số các bà mẹ than phiền con biếng ăn. Các bậc phụ huynh căng thẳng đến mức trầm cảm vì nhà chẳng thiếu thứ gì nhưng con chẳng chịu ăn.

Cho con trẻ trải nghiệm đói khát trong một chừng mực nhất định, dưới sự giám sát chặt chẽ và nguyên tắc của người lớn để chữa bệnh lười ăn.

Nhịn đói, khát một bữa hay một ngày, các con không chết được. Khi các con đủ đói khát, đủ mệt sẽ tự động đi tìm thức ăn. Mong muốn được ăn uống sẽ tự nhiên trỗi dậy. Đó là bản năng sinh tồn. Vì vậy, không có gì phải lo lắng.

Cho các con tận mắt chứng kiến những người bạn cùng trang lứa bị đói khát để các con hiểu rằng, người đói khát sẽ khổ sở thế nào, đồ ăn thức uống giá trị thế nào đối với cơ thể. 

Không để cho trẻ ở trong môi trường ngập đồ ăn thức uống. Trẻ chỉ cần nhìn thấy đồ ăn xung quanh mình thì đã yên tâm là mình không bao giờ bị đói. Bất cứ khi nào cũng có thể nhón tay với được đồ ăn thức uống thì trẻ sẽ ăn uống theo cách chúng muốn. Cách các con ăn lại không phải là cách mà cha mẹ muốn.

Con ăn vặt cả ngày đủ thứ bánh kẹo, trái cây, váng sữa, uống sữa, sữa chua…vậy thì còn tha thiết gì bữa ăn cố định hàng ngày với những món không thích như cơm, cá, thịt…theo mong muốn của cha mẹ. Sự đủ đầy, thừa mứa đồ ăn khiến con trẻ trở thành một đứa trẻ biếng ăn trong những bữa ăn chính.  

Đói khát là một trải nghiệm quý giá nên trải qua. Trải nghiệm này dạy chúng ta những bài học ý nghĩa và giúp trưởng thành hơn.

Bạn có thể thích

Leave a Reply