Những ngày này, phụ nữ Việt Nam đang háo hức chào đón và hưởng ứng tuần lễ áo dài hàng năm. Bên cạnh những phụ nữ hào hứng, tự tin khoác lên mình chiếc áo dài thì cũng không ít chị em phụ nữ cảm thấy đây là tuần lễ gánh nặng, ác mộng. Bởi vì đâu đó, họ đã nghe được những lời miệt thị ngoại hình khi ai đó có vóc dáng không hoàn hảo giống họ mặc áo dài hoặc chính họ đã bị những lần ném đá khi mặc áo dài.

Nhận diện miệt thị ngoại hình

Miệt thị ngoại hình là một khái niệm được du nhập từ nước ngoài với tên gọi tiếng Anh là “Body shaming”. Miệt thị ngoại hình hiện nay đang trở thành vấn nạn phổ biến trong môi trường học đường, môi trường mạng. Nó trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ.

Miệt thị ngoại hình chỉ những ngôn ngữ, hành động, đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một người nào đó. Bên cạnh đó, nó còn hàm chứa một khía cạnh khác là tự miệt thị ngoại hình của chính bản thân mình.

Miệt thị ngoại hình thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau với lời nói kèm thái độ chê bai, mỉa mai ngoại hình về thân hình, vóc dáng, làn da, bộ phận trên khuôn mặt…

Chính bản thân mình tự miệt thị ngoại hình của mình. Sự miệt thị này có thể bắt nguồn từ một lời miệt thị của ai đó về bản thân. Nó cũng xuất phát từ chính bản thân người đó tự nhận ra cơ thể của mình không vừa ý. Những miệt thị ngoại hình bản thân cũng xoay quanh thân hình, vóc dáng, cân nặng, da, mặt…Miệt thị ngoại hình của bản thân thể hiện ở thái độ chán ghét, tự ti, mặc cảm đối với phần cơ thể không không vừa ý.

Người nói lời miệt thị cảm thấy hả hê khi người bị miệt tỏ thái độ xấu hổ, ngại ngùng, khép nép, sợ sệt, tức giận, đánh trả, hằn học, từ bỏ ý định khi làm việc gì đó…Những người phụ nữ có vóc dáng khó mặc áo dài thường rất sợ mặc áo dài mặc dù vẫn thầm mong mặc được áo dài. Bởi vì họ sẽ phải đối mặt với những lời bình phẩm ác ý, thô thiển và khiếm nhã khiến họ mất tự tin.

Những lời miệt thị ngoại hình đến từ đâu?

Ban đầu, những hành động miệt thị ngoại hình là chỉ để vui đùa, đem đến cho nhau những giây phút vui vẻ hay tạo dựng chân dung hài hước trong nhau như là một ký ức vui vẻ. Khi những hành vi, lời nói này vượt qua giới hạn “đùa chút cho vui” thì sẽ trở thành lời nói ác ý, miệt thị. Nó cũng có thể xuất phát từ dụng ý, cố tình của người nói để hạ thấp giá trị người khác, cũng có thể là một lời nói buông bất cẩn mà chẳng cần nghĩ rằng mình đang làm tổn thương người khác.

Miệt thị ngoại hình xuất phát từ tiêu chuẩn của xã hội về cái đẹp ngoại hình. Ví dụ tiêu chuẩn để mặc áo dài đẹp là phải cao, vòng một và vòng ba cân đối, căng tròn, vòng hai thon gọn, dáng đi thướt tha, uyển chuyển, lưng thẳng… Những người “lệch” vùng tiêu chuẩn đó quá nhiều được xem là không nên mặc áo dài hoặc mặc áo dài xấu.   

Miệt thị ngoại hình cũng xuất hiện từ yếu tố dùng app khi chụp hình. Ví dụ như app để kéo dài chân, bóp eo để có một tấm hình áo dài đẹp đúng chuẩn. Điều này tạo ra một sự lầm tưởng trong đời sống thật.

Vì vậy khi ngoại hình thực tế mang dáng dấp tự nhiên, không có app chỉnh sửa hình ảnh sẽ không đạt được vẻ đẹp theo tiêu chuẩn xã hội. Những người có vóc dáng khó mặc áo dài càng dễ được nhận diện và trở thành tâm điểm đàm tiếu.

Đừng bận tâm những miệt thị ngoại hình khi vẫn muốn mặc áo dài

Chuong trình ao dài tặng bạn

Chương trình áo dài tặng bạn

Ảnh https://phunuvietnam.vn/

Khi chúng ta yêu quý, trân trọng tà áo dài và mong muốn mặc nó, hãy làm điều mình muốn! Mỗi người có một cơ thể, vóc dáng khác nhau. Mỗi người là một sản phẩm đặc biệt mà tạo hóa ban tặng. Chúng ta tôn trọng sự khác biệt đó của bản thân và của người khác.

Trang bị cho mình những kiến thức hoặc tìm kiếm những lời tư vấn từ người có chuyên môn để lựa chọn chất liệu, màu sắc, hoa văn, kiểu dáng áo dài phù hợp với cơ thể. Áo dài khi được mặc phù hợp với vóc dáng và hoàn cảnh là một trang phục dễ che khuyết điểm và phù hợp với đa số phụ nữ Việt Nam.

Chiếc áo dài trải qua nhiều thời kỳ đã có những cải tiến và trào lưu kiểu dáng khác nhau. Chỉ cần chúng ta không dán mác cho một kiểu áo dài nào đó chuẩn mực, hợp thời và ép mình vào khuôn khổ đó thì sẽ luôn có cách để chọn một chiếc áo dài có thể che đi những điểm không hoàn hảo của cơ thể.

Ngoài ra, nếu có điều kiện cũng có thể chọn các phụ kiện hỗ trợ để che đi những điểm chưa hoàn hảo của cơ thể.

Điều quan trọng nhất là xây dựng được niềm tin nội tâm đủ mạnh mẽ để phớt lờ những lời nói, cử chỉ miệt thị ngoại hình của người khác. Mặc chiếc áo mà mình muốn, là trang phục dân tộc đúng vào dịp tôn vinh phụ nữ thì không có gì là sai cả. Chúng ta biết trân trọng giá trị của tà áo dài, yêu quý trang phục dân tộc và mặc nó đúng với thuần phong mỹ tục. Đó là một nét đẹp từ bên trong.

Chúng ta cũng có thể chọn cách thử thách hơn là luyện tập, ăn uống lành mạnh, điều chỉnh vóc dáng để dễ dàng mặc được áo dài. Điều này có chút thách thức nhưng khi chúng ta làm được thì ngoài việc thoải mái khoác lên mình chiếc áo dài nào mình thích còn có thể truyền cảm hứng cải thiện vóc dáng cho những người phụ nữ khác.

Khi chúng ta đủ trân trọng bản thân, đủ tự tin với những lựa chọn của mình là chúng ta đã trưng ra một vẻ đẹp khác biệt. Vẻ đẹp đó không có chuẩn mực, thước đo cho tất cả mọi người nhưng đó là vẻ đẹp thực sự, cốt lõi và đáng trân trọng.

Bạn có thể thích

Leave a Reply