Mỗi ngày chúng ta có bao nhiêu hành động? Chúng ta có hài lòng với tất cả những hành động đó không? Đã bao giờ chúng ta quan sát hành động của mình để biết hành động đó đã phù hợp hay đã đem lại kết quả mong muốn hay chưa? Cuộc đời được quyết định bởi lựa chọn hành động của chúng ta.
Bộ não chúng ta hoạt động thế nào?
Cùng một sự việc nhưng mỗi người có những hành xử khác nhau. Thậm chí cùng một việc, xảy ra với một người nhưng trong mỗi thời điểm, hoàn cảnh lại có những hành xử khác nhau. Đó là vì, theo lý thuyết 3 não (Triune) của Paul MacLean, cấu trúc của não người có ba phần điều khiển khác nhau khiến hành xử của chúng ta khác nhau với cùng một sự việc.
Phần não bò sát điều khiển những hành vi thuộc về bản năng như tồn tại và sinh sản. Nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, tình dục, đấu tranh để sinh tồn, chạy hoặc nằm yên bất động để thoát thân trong tình huống nguy hiểm được xử lý bởi vùng não này. Những hành vi do não bò sát điều khiển diễn ra ngay lập tức, không qua bất kỳ bộ lọc nào.
Não thú giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc. Vùng não này được xem là trung tâm cảm xúc, chi phối hành động và thích ứng cao với bộ nhớ. Vùng não này giúp chúng ta kích hoạt bộ nhớ để nhớ nhanh và lâu hơn.
Não người là trung tâm tư duy, logic, phân tích, sự điều khiển, kiểm soát và kiềm chế, đưa ra các quyết định hợp lý. Con người được xem là sinh vật duy nhất trên Trái đất đã phát triển đầy đủ phần não này. Ở một góc độ khác, đây được xem là phần “người” trong con người.
Khi nhận một thông tin, vùng não thú sẽ phân loại cảm xúc để đưa thông tin đến các vùng não còn lại. Những thông tin tiêu cực sẽ được giao cho não bò sát xử lý, quyết định hành động. Phần thông tin tích cực sẽ được chuyển đến vùng não người xử lý, quyết định lựa chọn hành động. Não thú hoạt động đúng hay không, phụ thuộc vào cách chúng ta lập trình suy nghĩ, cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày.
Hiểu về não bộ để làm gì?
Khi hiểu được những vùng não cụ thể điều khiển hành vi con người thế nào chúng ta sẽ biết cách kích hoạt các vùng não đúng lúc để lựa chọn hành động phù hợp. Mỗi vùng não cũng có “ngôn ngữ” khác nhau: Não bò sát chứa ngôn ngữ sợ hãi, não thú chứa ngôn ngữ yêu thương, não người chứa ngôn ngữ tương lai.
Tầng não nào chiếm ưu thế thì ngôn ngữ tương ứng sẽ đại diện. Dựa vào đó mà chúng ta biết lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với hành động. Có được bộ bảo bối này trong tay sẽ giúp chúng ta phản ứng phù hợp với mọi tình huống.
Trong chúng ta, ba phần não này cùng tồn tại. Chúng đều có mặt tích cực và hạn chế. Việc của chúng ta là sử dụng bí quyết “ba trong một” này như thế nào cho hiệu quả trong cuộc sống và nuôi dạy con. Chúng ta cần kích hoạt tối đa mặt tích cực và không để các hạn chế của từng vùng não kiểm soát hành động.
Não bò sát giúp chúng ta biết sợ hãi, nhận diện sự nguy hiểm để tránh xa, tìm cách bảo vệ bản thân. Hạn chế của vùng não này là khiến chúng ta sợ hãi không dám vượt qua chính mình mình, không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Nó quyết định chúng ta không dám làm gì cả và trở thành người hèn nhát với những nỗi sợ hãi không đáng có.
Não thú giúp chúng ta biết yêu thương, sống nhân ái. Vùng não này hiện thân cho tính nữ. Vì vậy phụ nữ đa phần phát triển mạnh vùng não thú. Hạn chế của vùng não này là chúng ta không phát huy được hết tiềm lực của bản thân cũng như của con.
Chúng ta vì yêu thương, nuông chiều bản thân mà quên đi kỷ luật, nghiêm khắc để phát triển bản thân tốt hơn. Vì yêu thương con mà bảo bọc con quá khiến con bị tê liệt hết mọi khả năng vốn có.
Não người giúp cho chúng ta nhìn thấy tương lai, bố cục, tiềm năng trong mọi hoàn cảnh. Nó giúp chúng ta nhìn thấy các cơ hội, những điều tốt đẹp trong tương lai, giúp chúng ta vượt qua trở ngại và chiến thắng bản thân. Thế nhưng vùng não này lại không giúp chúng ta thoát hiểm trong những khoảnh khắc cần kíp hoặc lập tức tránh được nguy hiểm.
Lựa chọn hành động tích cực để sống đời tích cực
Dùng não bộ đúng – hành động chuẩn
Hành động là việc làm cụ thể của con người nhằm một mục đích nhất định. Phần não bộ sẽ có ngôn ngữ riêng và ra quyết định hành động tương ứng. Chúng ta không làm thay được não bộ nhưng chúng ta có thể lựa chọn vùng não bộ nào để ra lệnh hành động.
Chúng ta dùng não bò sát khi gặp nguy hiểm để được an toàn….
Chúng ta dùng não thú để đẩy cảm xúc lên cao trào trong những tình huống cần thiết khi làm nghệ thuật, sáng tạo, ghi nhớ một điều gì đó….
Não người được dùng để đón nhận các cơ hội mới, thiết lập các kế hoạch trong tương lai, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Sử dụng đúng não người giúp chúng ta thay đổi công thức cũ mòn của cuộc sống.
Các việc xảy ra trong cuộc sống, đa phần cần dùng đến phần não bộ người để giải quyết. Để làm được điều này chúng ta cần luyện não bộ có được một cách xử lý tình huống chuẩn.
Đầu tiên, cần đón nhận mọi việc với cảm xúc tích cực và nuôi dưỡng nguồn năng lượng tích cực. Khi cảm xúc tích cực sẽ dẫn thông tin đến vùng não thú. Ở đó não thú sẽ “phân công” cho não người xử lý. Tuy nhiên để não người có thể xử lý trọn vẹn mọi thứ lại cần có nhận thức đúng, tri thức, kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, việc nuôi dưỡng, rèn luyện não người cần trải qua các bước:
Thứ nhất: Học hỏi kiến thức, kỹ năng mới.
Thứ hai: Áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, tình huống thực tế và thực hành thường xuyên.
Thứ ba: Giải thích được các câu hỏi mà chúng ta đặt ra.
Đây là cách chúng ta làm giàu bản thân, tạo ra những giá trị cho chính mình mỗi ngày. Khi chúng ta rèn luyện đủ lâu sẽ tạo được một bộ quy tắc ứng xử phù hợp. Hành động của chúng ta dựa theo bộ quy tắc này sẽ đạt được mục đích mà mình mong muốn.
Cảm xúc tích cực tạo suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tích cực tạo lời nói tích cực và hành động tích cực. Hành động tích cực tạo tính cách tích cực. Chúng ta lựa chọn những điều tích cực để những điều tiêu cực trong ta biến mất. Đây là nguyên lý cơ bản và tự nhiên: ánh sáng đẩy lùi bóng tối.
P/s: Bài viết này nằm trong chuỗi bài “hoàn thiện bản thân”. Bài viết số 3.
Bài viết số 1: Lắng nghe cảm xúc của bản thân.
Bài viết số 2: Quan sát suy nghĩ của bản thân
Bài viết liên quan