Bạn đã bao giờ ở trong cảnh nhìn vào bất cứ nơi đâu cũng thấy việc nhà? Một ngày đi làm bận rộn, bạn có vài ba tiếng làm việc nhà, thấy không đủ. Dành cả ngày nghỉ cuối tuần chỉ để làm việc nhà, vẫn không đủ. Một kỳ nghỉ dài, dành mấy ngày làm việc nhà vẫn thấy còn thiếu. Sao mà ở đâu cũng thấy việc là việc?
Kỳ lạ thay, việc nhà không bao giờ xuất hiện đơn lẻ, chúng cứ đi từng chuỗi. Đang nấu cơm thấy cái cửa tủ chưa đóng kín, cái nồi chồng con chùi chưa sạch, cái tủ lạnh bị lấm lem, cái bếp vương dầu mỡ, mớ rau quên bỏ vào tủ lạnh bắt đầu héo…
Chồng bảo đi ra ngoài thì thay quần áo xong thấy đèn chưa tắt, rèm cửa chưa kéo, cửa sổ, cửa các nơi chưa đóng, cái áo quần thay ra treo sém rớt, đồ ăn chưa đưa xuống ngăn mát…Bạn làm làm hết mọi việc thì ông chồng đã càu nhàu vì chờ cả chục phút.
Việc nhà bủa vây phụ nữ, vì sao vậy?
Vì não bộ. Có lẽ tạo hóa đã ban cho phụ nữ một bộ não đặc biệt để lập trình làm việc nhà và quán xuyến mọi việc. Với đặc điểm não bộ hoạt động chi tiết và khả năng liên kết cao nên phụ nữ nhìn vào đâu trong nhà cũng thấy việc. Bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu thì người phụ nữ cũng có thể liên hệ nó với một điều gì đấy.
Phụ nữ quen làm việc nhà, quán xuyến mọi việc. Trong nhà có bao nhiêu việc thì phụ nữ đều thuộc như trong lòng bàn tay. Đôi khi vợ bảo còn nhiều việc phải làm, không có thời gian nghỉ, chồng ngớ người ra có việc gì đâu. Người phụ nữ sẽ kể ngay một danh sách công việc mà chẳng cần nghĩ ngợi gì. Chồng nghe xong hoa mắt, ù hết cả tai. Hóa ra việc nhà nhiều đến thế! Các con cũng chẳng hiểu vì sao mẹ có thể có nhiều việc để làmđến vậy.
Vào vai là “kẻ hay lo” việc nhà trong gia đình. Tục ngữ có câu “một kẻ hay lo bằng một kho kẻ hay làm”. Khi làm một việc gì đấy, phụ nữ không đơn thuần làm cho xong việc. Trong đầu họ luôn có những suy nghĩ liên quan đến hậu quả của việc làm.
Để ngăn ngừa hậu quả, họ cố gắng làm những việc cần thiết để tránhnó xảy ra. Ví dụ như mùa mưa, khi ra khỏi nhà họ muốn đóng tất cả các cửa để tránh mưa tạt vào nhà làm ướt chăn, mền, gối, chiếu, sách vở, máy tính, tivi…
Đặc tính luôn cầu toàn. Đáng lẽ chỉ làm qua loa đại khái cũng được nhưng họ lại không muốn bê bối như thế. Quét cái nhà họ cũng quét đến nơi đến chốn trong từng ngóc ngách, tiện tay sắp xếp lại các đồ vật cho ngay ngắn. Họ không thể cầm cái chổi lên và quét vài ba nhát ngay trung tâm nhà cho xong việc.
Phụ nữ làm gì cũng nghĩ trước, nghĩ sau, cẩn thận tỉ mỉ cho mọi thứ tinh tươm, gọn gàng, sạch sẽ mới được. Vì vậy nên khi chồng và con làm việc nhà qua loa đại khái, họ trở nên bực bội khó chịu và có tâm lý làm luôn cho đỡ mệt.
Việc nhà – nấu ăn hàng ngày
Những ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ
Nhìn đâu cũng thấy việc nhà trở thành căn bệnh của nhiều phụ nữ. Bởi vậy nên phụ nữ luôn bận bịu và ít có thời gian dành cho bản thân. Có chút thời gian rảnh rỗi họ lại chèn vài ba công việc vào làm. Hết việc bày ra trước mắt, họ lại nghĩ ra việc để mọi thứ trông tốt hơn, đẹp hơn.
Vì luôn nhìn thấy việc nhà nên phụ nữ hay bị áp lực bận rộn, không xong việc, tất bật. Điều này khiến họ mệt mỏi sinh ra cáu bẳn với chồng con, tâm trạng không tốt, sức khỏe tinh thần giảm sút. Sức khỏe thể chất vì thế cũng giảm.
Những người sống trong gia đình cũng bị áp lực theo vì lúc nào cũng bị nhắc nhở công việc. Hàng trăm công việc không tên mà dưới góc nhìn của chồng, con hay người khác cho là không cần thiết. Vì ở các góc nhìn khác nhau, đánh giá mức độ công việc quan trọng khác nhau nên những công việc phụ nữ làm không mấy được ghi nhận là có giá trị.
Họ có thể đến muộn ở những nơi có hẹn giờ giấc vì không kiểm soát được thời gian công việc. Có chút thời gian thì họ lại tiếc công, tiếc việc cố làm trong khoảng thời gian sít kin kít. Họ ráng thêm một chút cho xong công việc. Sau đó lại cà cuống vì muộn giờ.
Mọi người không nhìn thấy giá trị những việc nhà vụn vặt, vô ích, không tên mà phụ nữ làm, cho đến khi họ vắng nhà dài ngày. Nhà cửa trở nên bừa bộn, hàng trăm thứ không như ý xảy ra, những người ở nhà phải đi giải quyết hậu quả.
Câu thần chú “mẹ ơi/ vợ ơi! Về mau nhà sắp loạn lên rồi” sẽ được đọc qua điện thoại. Phụ nữ vốn là trái tim trong trong gia đình, lúc nghe câu thần chú ấy thì tâm bắt đầu xao nhãng mọi việc và chỉ hướng về gia đình. Nó thực sự ảnh hưởng đến kế hoạch, công việc khi họ xa nhà.
Làm sao bớt nhìn đâu cũng thấy việc nhà?
Không phải phụ nữ nào cũng mắc bệnh nhìn đâu cũng thấy việc nhà và những người mắc bệnh này cũng ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có người nặng đến mức lo âu, trầm cảm.
Đơn thuốc cho bệnh này sẽ có mấy vị như sau:
Buông lỏng mọi sự kiểm soát. Cần phân định những việc quan trọng, việc cần làm, việc gấp để ưu tiên làm trước. Việc phải làm ngoài danh sách này thì làm sau, theo thứ tự ưu tiên phù hợp. Những việc không cần thiết có thể bỏ qua.
Khoanh vùng cấm và không đụng vào. Ví dụ không gian sinh hoạt riêng của con, chồng hay ai khác trong gia đình. Đó không phải phạm vi quản lý của mình và tôn trọng quyền riêng tư của họ. Ở đó như thế nào là môi trường sống mà người ở trong đó hưởng.
Mua sắm có lựa chọn và tối ưu hóa những đồ dùng. Một vật cần được khai thác hết công dụng của nó và sáng tạo thêm cách dùng để không phải mua cái mới. Càng nhiều đồ thì càng phải lau chùi, dọn dẹp, sắp đặt, thêm không gian. Việc thêm việc, đồ thêm đồ, thời gian thêm thời gian. Phụ nữ sẽ bị cuốn theo vòng quay này không có điểm dừng
Sắp đặt đồ vật đúng nơi đúng chỗ và yêu cầu mọi người trong gia đình tuân thủ. Chắc chắn người khác không thích điều này nhưng trong nhà cần có những quy tắc. Dành thời gian đào tạo mọi người áp dụng đúng quy tắc này: đồ dùng để đúng nơi đúng chỗ. Như vậy sẽ bớt thời gian tìm kiếm ảnh hưởng đến việc nhà.
Bớt cầu toàn. Mọi việc khi không thể cầu toàn thì nên cho bản thân buông lơi, tạm chấp nhận. Điều này giúp phụ nữ giải phóng được áp lực là phải hoàn thành hết công việc, phải theo một chuẩn mực tối ưu. Khi xem mọi việc nhẹ nhàng thì cuộc sống cũng nhẹ nhàng theo. Sự cầu toàn đối với nhiều việc là không cần thiết. Biết tha thứ cho bản thân để không dằn vặt khi một việc nhà nào đó không được làm như kỳ vọng.
Đừng áp tiêu chuẩn hoàn hảo của bản thân lên bất cứ việc nhà nào đã giao cho bất cứ ai trong gia đình. Chồng và con cũng cần được nương nhẹ khi đánh giá chất lượng làm việc nhà. Họ vốn không có chuẩn mực nào, thậm chí còn không có ý niệm việc nhà là việc của mình. Vậy nên, bao dung với họ để họ sẵn lòng chia sẻ việc nhà.
Nói không khi bản thân mình quá tải. Việc nhà là quan trọng và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nhưng đừng vì thế mà phụ nữ để cục phin năng lượng của mình bị cạn. Nguyên tắc là, khi mệt cứ nghỉ ngơi. Khi không còn sức lực, có cố làm thì cũng chỉ tốn thời gian mà hiệu quả lại rất thấp. Lúc này cần nhất là nghỉ ngơi và cầu viện sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình chia sẻ việc nhà.
Kiêng tham công tiếc việc, nhồi nhét công việc vào một khoảnh khắc thời gian quá chật hẹp. Như thế sẽ không bị rơi vào khe hẹp thời gian khiến mình trễ hẹn. Và bản thân cũng thoát khỏi áp lực nhồi việc.
Hàng ngày áp dụng một số quy tắc sau:
“Không bày không dọn”.
“Làm ngay việc dưới 1 phút”.
“Ngừng ngay mọi việc trước khi rời nhà 5 phút”.
“Giao việc đúng, ngừng bận tâm”.
“Đồ đơn giản, dễ lau chùi”.
Cuối cùng, nếu bạn vẫn thấy thiếu điều gì đó thì liên hệ mình. Có thể đó là một cuộc trò chuyện 1:1 để giúp bạn hiểu rõ hơn căn bệnh “nhìn đâu cũng thấy việc nhà” và có giải pháp phù hợp mà bài viết này chư đề cập tới. Khi cần hãy liên lạc với mình bẹn thân yêu nhé!
Bài viết liên quan