PNO – Chị Bùi Thị Thanh Huyền, ở xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đến với nghề trồng hoa hồng và chưng cất nước hoa hồng hữu cơ như một duyên lành. Nhờ trồng hoa, chị đã thoát khỏi trầm cảm, đi qua những tháng ngày khó khăn, buồn bã nhất và tìm thấy niềm vui sống.
Tìm thấy niềm vui sau bao ngày tăm tối
Chị Huyền từng là thợ may có tiếng trong vùng. Công việc đang rất thuận lợi thì dịch COVID-19 ập tới, mọi người thắt chặt chi tiêu nên ít may quần áo, tiệm may đắt khách ngày nào giờ đìu hiu, vắng bóng người qua lại. Chị thèm đến thẫn thờ không khí khách hỏi han ríu rít, còn chị thì luôn tay cắt tay may.
Thu nhập vừa giảm vừa không có người để trò chuyện khiến chị hụt hẫng. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên vai, trong khi con thì ngày một lớn, nhu cầu chi tiêu cho học hành, sinh hoạt cũng nhiều hơn. Vốn hay suy nghĩ, lại cầu toàn nên chị càng thấy bế tắc. Chị chìm trong những suy nghĩ bi quan, tiêu cực; tự thấy bản thân không có giá trị và luôn lo lắng về những khó khăn trong gia đình.
Trong những ngày tháng ấy, cây hoa hồng như một tia nắng ấm áp, cơn gió mát lành an ủi chị. Chị chăm cây cần mẫn như chăm một đứa trẻ. Hằng ngày, chị tưới nước, bắt sâu, tỉa cành, trò chuyện với cây… Hoa lớn lên mỗi ngày, chị thấy lòng mình nhẹ nhàng và thanh thản. Ảo giác tiêu cực dần tan, các cuộc giằng co nội tâm cũng vơi bớt.
Vậy là chị mày mò tìm hiểu và gầy dựng cho mình một sân nhà đầy ắp hoa hồng. Chị thuộc tên, tập tính của từng loài: từ hồng ngoại đến những dòng hồng cổ Việt Nam. Việc chăm sóc hoa hồng mở ra một cánh cửa an lành cho chị nương náu tâm hồn.
Hồi sinh khu vườn nhà chồng
Ngày chị về làm dâu, khu vườn nhà chồng rất màu mỡ, cây trái sum suê, rau xanh mướt 4 mùa. Khu vườn ấy mấy năm nay không ai chăm sóc. Những cây na trụi lá, trơ cành, gầy gò đen xám. Khung cảnh ấy khiến chị thấy tiếc nuối. Thế là chị bàn với chồng cải tạo lại khu vườn để trồng hoa.
Việc cải tạo khu vườn với chị là việc vô cùng ý nghĩa. Chị muốn được nhìn thấy sự sống hồi sinh từ vườn nhà và nuôi dưỡng những hạt giống tích cực vừa nảy mầm trong tâm. Tận sâu bên trong, chị cần một công việc yêu thích để gột rửa hết những mảng bám u tối mấy năm qua vẫn còn bướng bỉnh trụ lại.
Khu vườn đã được hồi sinh nhờ trồng hoa hồng
Gia đình lúc ấy kinh tế khó khăn nên chồng không đồng ý với đề xuất của chị. Chị phải nghĩ cách xoay trở, cân đối mọi nguồn tài chính để có tiền cải tạo vườn. Việc múc đất, thay đất, bao luống… tốn nhiều chi phí, thời gian hơn chị tưởng rất nhiều. Những hoang mang đến rồi đi không biết bao lần trong việc cải tạo vườn và trong mối quan hệ của chị với chồng.
Khí hậu miền Trung mùa hè nắng cháy, gió Lào bỏng rát, mùa đông thì giá rét. Nhà lại cách vườn mấy cây số nên chị không thể chăm sóc hoa mỗi ngày.
Chị còn muốn khu vườn của mình “nói không với thuốc bảo vệ thực vật”. Để giải bài toán này, chị chọn trồng giống hồng cổ Tường Vy dễ tính, hoa nhiều, thơm đậm, chịu được sâu bệnh. Ngoài ra, chị phải tốn thêm chi phí làm lưới che và hệ thống phun tưới tự động để hoa hồng sống sót qua thời tiết khắc nghiệt.
Khi đã bắt đầu và nhìn thấy rõ con đường mình đi là đúng thì khó khăn mấy chị cũng vượt qua. Chị tự tin bao nhiêu thì chồng chị lại lo lắng bấy nhiêu. Anh sợ chị không thành công, sợ chị bỏ cuộc rồi lại mất tiền. Thế nhưng, khó khăn không làm chị nản chí. Chị thuyết phục anh bằng sự quyết tâm – cứ lặng lẽ, ráo riết làm cho đến khi anh chịu “xuôi chèo” cùng vợ.
Chưng cất tình yêu
Khu vườn cho những đợt hoa đầu tiên, chị thở phào nhẹ nhõm. Chị có bằng chứng để tin vào bản thân và để chồng an lòng. Công việc chưng cất nước hoa hồng là một thử thách lớn. Thật may, chồng chị rất yêu thích những công việc mang tính kỹ thuật như thế này. Sau những mẻ nước hoa hồng đầu tiên ra đời, anh tự nhận phần việc chưng cất.
Nhìn anh cặm cụi lắp ráp, canh chừng nồi chưng cất, tỉ mẩn cọ rửa dụng cụ, chị thầm cảm ơn anh. Chị chọn mặt gửi vàng, nhờ anh “đảm bảo chất lượng nước hoa hồng” với lời cổ vũ ngợi khen: “Nhờ có anh mà chất lượng nước hoa hồng ngày càng tốt lên”. Từ một người hồ nghi việc trồng hoa, anh trở thành một người biết ngắt chuẩn xác lượng nước còn tạp chất để thu được nước hoa hồng tinh khiết.
Chị tâm sự: “Tôi trồng hoa hồng hữu cơ và chưng nước hoa hồng nguyên chất như một cách để thanh lọc tâm hồn. Tôi biết ơn hoa hồng đã giúp mình tái sinh trong cuộc đời này”.
Nói đến chuyện kinh doanh nước hoa hồng, chị cười: “Thú thật là tôi chưa dám nghĩ đến lợi nhuận, cứ làm cho thỏa đam mê và tạo ra một sản phẩm thật tốt, thật lành cho phụ nữ, trẻ nhỏ đã là hạnh phúc. “Lãi” vậy là nhiều lắm rồi”.
Cách chị chọn những đóa Tường Vy đúng độ mãn khai và được hái lúc sáng sớm để có tinh chất tốt nhất cũng giống như cách chị chọn tinh hoa cho đời mình. Chị mượn tên cháu ngoại – “Tún” – làm một phần tên sản phẩm, như sự “chưng cất” tình yêu của bà mừng cháu ra đời.
Cái tên “Tunsrose” nhắc rằng hoa hồng và cháu ngoại là 2 nguồn năng lượng thuần khiết đưa chị về miền ánh sáng.
P/S. Bài viết đã được đăng trên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh số ra thứ Hai, ngày 01/7/2024. Link bài viết ở đây ạ.
Bài viết cùng chủ đề