Những ngày này, các gia đình đón kết quả thi trung học phổ thông quốc gia với nhiều cảm xúc rất khác nhau. Vui, buồn, thất vọng ở từng cấp độ khác nhau. Đây có thể là “cú vấp ngã” đầu đời đầy ấn tượng với các con. Điều các con cần là được cha mẹ chia sẻ cảm xúc với con khi kết quả thi không như ý.

1. Cảm xúc tiêu cực của con

Khi nhận được kết quả thi không như mong đợi, con sẽ thất vọng và buồn bã. Con thất vọng với chính bản thân mình, vì phụ lòng mong đợi của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Con cảm thấy mình đã phụ lòng những người thân yêu đã luôn tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào con.

Cảm giác tự ti về khả năng của mình xâm chiếm lấy con. Hóa ra con không học tốt như con tưởng, con đã làm bài không tốt như con nghĩ. Bỗng nhiên con không còn tin vào bản thân mình nữa. Một sự đổ vỡ nào đấy từ sâu bên trong.

Con tự trách, phán xét bản thân rất nhiều. Giá như con chăm chỉ học tốt hơn, giá như hôm làm bài thi con cố gắng thêm chút nữa, giá như con không chủ quan, ỷ lại. Nếu con nghe lời mẹ thì kết quả đâu như thế này…Hàng tá trách cứ bản thân xuất hiện.

Con lo lắng về tương lai, sợ rằng những cơ hội tốt đã bị bỏ lỡ. Một cánh cửa tương lai rộng mở đã đóng lại. Con sẽ không vào được trường đại học mà con mong ước. Tương lai của con sẽ mờ mịt trước những ngã rẽ mà con chưa hình dung ra.

Con chẳng biết chia sẻ cảm xúc này với ai. Với cha mẹ, con sợ cha mẹ buồn, sợ bị la. Nói với bạn bè, con sợ bị chê cười, sợ làm mất đi niềm hân hoan của bạn khi điểm số như ý. Con thu mình lại tự vo tròn nỗi lòng của mình.

Cả thế giới như sụp đổ dưới chân con. Ngày hôm nay, ngày mai…con sẽ phải đối mặt với cả một vũng lầy cảm xúc như thế! Con cần một người đủ tin tưởng, sẻ chia với con để vơi bớt những cảm xúc tiêu cực này.

2. Cảm xúc của mẹ

Trước dòng cảm xúc tiêu cực cuộn trào trong con, mẹ không khỏi đau thắt nơi trái tim. Thương con thật nhiều, thương đến đứt ruột, muốn thay con gánh hết mọi cảm xúc đó. Đó là phần cảm xúc thật bên trong của mẹ. Thế nhưng bên ngoài thì mẹ lại có thể có những biểu hiện hoàn toàn khác.

Mẹ vờ như không có chuyện gì xảy ra, nói bâng quơ với con là điểm số thế được rồi. Sự không bận tâm của mẹ với mong muốn là con xem nhẹ chuyện điểm số, vui vẻ sống.

Cũng có thể vì lo lắng cho tương lai của con mà mẹ thất vọng về con. Mẹ có thể sẽ la mắng, dạy dỗ con bằng những bài học đạo lý “cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ…”

Mẹ cũng có thể phản bác những chia sẻ của con về bài thi, chấm điểm, những nghi hoặc của con. Những lời bấn loạn của con nói với mẹ nhưng mẹ không chú tâm nghe mà còn tìm cách nói ngược lại. Điều cốt yếu là để mẹ dẹp hết mọi suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của con.

Bất kỳ phản ứng hay cảm xúc nào của mẹ đều ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của con lúc này. Những cảm xúc cộng hưởng đúng cách sẽ giúp con nhanh chóng lấy lại cân bằng, tích cực dần lên.

240718 Chia se cam xuc voi con khi ket qua thi khong nhu y

Cùng con đạp xe để giúp con thư giãn và cân bằng cảm xúc

3. Mẹ yên, con an

Con có thể sẽ chẳng tìm mẹ để được chia sẻ và động viên. Lúc này mẹ hãy chủ động trò chuyện với con. Điều này thực sự khó với những người đã mất kết nối với con từ trước đó. Thế nhưng, mẹ đừng ngần ngại, hãy mở lời với con trước.

Cho con cảm giác được chia sẻ, để con được trải nghiệm cảm xúc chân thật của mình. Bởi đây là một điều hết sức bình thường trong cuộc sống. Con sẽ học cách lắng nghe cảm xúc của bản thân và tự mình đi qua những cảm xúc chạm đáy như thế này. Đừng ngăn cản hay ép con ngay lập tức bước ra khỏi cảm xúc tiêu cực. Bởi vì điều này là không thể. 

Khi thấy con buồn và thất vọng thì mẹ hãy đồng cảm với con. Mẹ hiểu rằng đây là một giai đoạn khó khăn và sẵn sàng cùng con chia sẻ những cảm xúc này. Mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe những lời con nói, những cảm xúc đang tràn ngập trong lòng con. Con có những giá trị về phẩm chất và những điểm mạnh khác ngoài chuyện học, mẹ giúp con đánh thức phần tốt đẹp của bản thân.

Mẹ khích lệ và động viên con rằng kết quả kỳ thi không phải là tất cả. Cuộc sống còn rất nhiều cơ hội phía trước và kết quả không như ý này chỉ là một bước đệm để con trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Cuộc đời là những phép thử, con đang làm phép thử đầu tiên của mình. Trong đời mình, con được phép sai và làm lại tốt hơn.

Cùng con làm chung một điều gì đấy giúp con thấy khuây khỏa. Đi uống trà sữa, ăn món con thích, mua sắm, làm đẹp, tô tượng, tham gia workshop…Nếu con muốn làm điều gì cho tâm trạng tốt lên mà không vượt nguyên tắc thì hãy tham gia cùng con hoặc ủng hộ để con tự vượt qua cảm xúc của mình.

Con cần một cuộc trò chuyện thân tình ấm áp, sẻ chia cảm xúc với mẹ. Một cuộc trò chuyện tâm tình, không phán xét, không so sánh, không dạy dỗ. Ngay lúc này con cần người nghe con bằng tất cả sự đồng cảm sâu sắc. Mẹ cần trò chuyện với con như một người bạn.

Ngay lúc này, con cần tình yêu và sự quan tâm vô điều kiện của mẹ, dành thời gian bên con, chiều chuộng con một chút. Sự hiện diện của mẹ mang lại cho con cảm giác an toàn và yên lòng, giúp con vững vàng hơn. Con sẽ tự xóa đi mặc cảm làm mẹ thất vọng hay nỗi sợ bị la mắng, so bì.

Mẹ hãy sắm vai sẵn sàng bên con, đồng hành cùng con trong những ngày sắp tới, trên con đường mới mà con sẽ đi. Ngày mai con đường của con có vất vả gian truân thế nào thì cũng nhớ rằng, nhà là nơi để về. Mẹ là suối nguồn ấm áp để con có có thêm động lực để vượt qua trong cuộc sống.

Cùng con lên kế hoạch cho một tương lai mới, hay đơn giản là chọn một nguyện vọng khác. Cánh cửa này khép lại thì vô và cánh cửa khác mở ra. Việc của con là can đảm và biết cách gõ đúng cánh cửa cho mình. Có một câu thần chú rằng “gõ cửa, cửa sẽ mở”. Mẹ luôn ủng hộ con trên chặng đường sắp tới.

Bằng những việc như thế này, con sẽ hiểu được lòng mẹ thương con thế nào. Con hiểu rằng mình không cô đơn và luôn có mẹ ở bên cạnh. Có mẹ ở bên, con yên lòng và tìm lại được động lực, nhanh chóng vượt qua những thời khắc khó khăn này.

Kết quả kỳ thi hết lớp 12 không chỉ mang lại những thử thách mà còn là bài học quý giá về sự nỗ lực, kiên nhẫn, vượt giới hạn bản thân. Những cảm xúc tiêu cực khi nhận kết quả không như mong đợi có thể khiến con cảm thấy áp lực và lo lắng nhưng sự chia sẻ và động viên từ mẹ sẽ giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mẹ cha hãy luôn chủ động kết nối và chia sẻ cảm xúc với con, bởi đó chính là chìa khóa để gắn kết trong mối quan hệ mẹ – con. Dù tương lai có ra sao, chỉ cần cha mẹ và con luôn bên nhau, mọi khó khăn đều sẽ trở nên nhẹ nhàng và bình an.

Mình dàng tặng buổi trò chuyện 1:1, thời gian 1 tiếng cho 5 bạn hoặc con của các bạn về chủ đề này. 
Đặt lịch hẹn với mình qua: 
Facebook: https://www.facebook.com/ngoc.thang.988/
Fanpage: https://www.facebook.com/Phunulangyen/

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply