Khi hôn nhân rạn nứt, các cặp vợ chồng thường chọn cách ly thân. Sau thời gian này, các bên sẽ có quyết định cho riêng mình một cách bình tĩnh và cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Ly thân, không phải là đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân mà là khoảng lặng cần thiết để quan hệ hôn nhân được đặt về đúng chỗ.
1. Ý nghĩa của ly thân
Ly thân luôn có những ý nghĩa nhất định trong một cuộc hôn nhân rạn nứt, mâu thuẫn giúp người trong cuộc thấu rõ mọi việc. Đó là lý do mà các cặp đôi thường lựa chọn ly thân trước khi ly hôn như một cách ứng xử thận trọng với chính cuộc hôn nhân của mình.
Ly thân không có ý nghĩa về mặt pháp lý: Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay không quy định về điều này. Tuy nhiên các cặp đôi vẫn lựa chọn ly thân như một bước đệm trước khi ra quyết định quan trọng về hôn nhân của mình. Ly thân hoàn toàn là sự lựa chọn của các bên.
Thời gian để tĩnh tâm và suy nghĩ thấu đáo: Ly thân tạo không gian để cả hai bên thoát khỏi áp lực, cảm xúc tiêu cực tức thời. Từ đó các bên suy nghĩ chín chắn hơn về tình trạng hôn nhân và những vấn đề cần giải quyết.
Giảm xung đột và căng thẳng: Khoảng cách vật lý hoặc ít tiếp xúc thân mật giúp cả hai giảm thiểu những tranh cãi và xung đột trực tiếp.
Đánh giá lại tình cảm và giá trị mối quan hệ: Thời gian xa nhau là cơ hội để cả hai tự hỏi: “Mối quan hệ này còn ý nghĩa gì với mình? Điều gì thực sự quan trọng nhất?”
Tạo điều kiện cải thiện bản thân: Ly thân cho phép mỗi người tập trung vào việc phát triển cá nhân, cải thiện điểm yếu và học cách yêu thương bản thân. Những điều này góp phần xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn.
Quan sát khách quan hành xử của nhau: Bạn sẽ dễ dàng nhận ra hành xử của người bạn đời trong thời gian ly thân để giải mã những điều bạn chưa hiểu về người đã từng đầu ấp tay gối.
Cơ hội chuẩn bị tốt hơn cho tương lai: Dù tái hợp hay ly hôn, ly thân là khoảng thời gian để bạn chuẩn bị về mặt tâm lý và hành động cho những bước tiếp theo trong cuộc sống.
Ly thân không chấm dứt quan hệ hôn nhân mà là một khoảng lặng để vợ chồng nhìn lại quan hệ này. Nếu việc ly thân được thực hiện đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích giúp cứu vãn mối quan hệ hoặc giúp bạn ra quyết định rõ ràng và sáng suốt.
Dành thời gian cho bản thân
2. Phụ nữ tận dụng cơ hội ly thân như thế nào?
Tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất: Có thể sự rạn nứt trong hôn nhân đã khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống. Đây là thời gian quý giá để bạn dành thời gian cho bản thân mỗi ngày. Bạn có thể chọn bất cứ hình thức nào phù hợp với mình, môn thể thao nào bạn có thể theo đuổi. Một số hoạt động có thể cải thiện cả thể chất và tinh thần như thiền, yoga, khiêu vũ…
Nhìn lại ứng xử của bản thân và học từ những sai lầm: Khi còn ở cạnh nhau, có thể bạn đã có những hành xử, lời nói trong lúc bức xúc, nóng nảy làm tổn thương chồng. Khoảng thời gian này giúp bạn tự nhìn lại mình, thừa nhận sai sót và nỗ lực thay đổi. Sự tự thừa nhận sai sót sẽ dễ chịu hơn cảm giác bị chồng bắt lỗi, gọi tên.
Lên kế hoạch phát triển cá nhân: Có thể bạn đã tự đánh mất giá trị bản thân trong suốt thời kỳ hôn nhân. Điều này khiến bạn bức bối, khó chịu nhưng không biết rõ nguyên nhân nên bạn đổ vấy cơn bực dọc đó vào quan hệ hôn nhân. Thật tốt, đây là lúc để bạn học kỹ năng mới, tham gia các khóa học hoặc theo đuổi đam mê riêng. Như thế sẽ giúp bạn cải thiện sự tự tin, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và cảm giác độc lập như khi còn độc thân. Có thể đó là giá trị mà bạn đã khiến anh ấy tha thiết muốn cưới bạn làm vợ. Đáng tiếc là vai trò làm vợ, làm mẹ đã biến bạn thành một phiên bản xa rời phiên bản thực của bạn.
Luyện tập kỹ năng giao tiếp tích cực: Có thể môi trường sống tác động khiến bạn trở thành người thiếu kỹ năng giao tiếp tích cực. Vì vậy, nhân cơ hội này, bạn học cách lắng nghe chồng, cách đặt câu hỏi nhẹ nhàng và bày tỏ cảm xúc yêu thương, đồng cảm. Bạn cũng có thể thay đổi thói quen đổ lỗi, phán xét chồng để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Chọn góc nhìn cuộc sống tích cực cũng giúp bạn có kỹ năng giao tiếp tích cực.
Học cách tha thứ: Bạn thấy rất khó để tha thứ cho những lỗi lầm của chồng, đúng không? Tuy nhiên, tha thứ cho ai đó làm tổn thương bạn thì trước hết là tha thứ cho chính bạn. Tha thứ giúp bạn giải phóng cảm xúc tiêu cực trong bạn, là vì sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn trước hết.
Tập trung vào những điểm tích cực trong mối quan hệ: Đôi khi cuộc sống quá nhiều bộn bề lo toan mà bạn quên duy trì, vun đắp tình yêu sau hôn nhân. Hẳn bạn đến với chồng vì tình yêu hay những điều tốt đẹp nào đó? Những khoảnh khắc hạnh phúc của vợ chồng chắc là vẫn còn trong ký ức của bạn. Đánh thức ký ức ấy và cho mình một lời lý giải, tại sao nó biến mất khỏi cuộc hôn nhân của bạn? Đặt câu hỏi “làm thế nào để có lại những ký ức đẹp đẽ đó?”.
Tham gia tư vấn tâm lý, cảm xúc, nội tâm bình an: Có thể bạn là người trong cuộc nên chưa nhìn thấu rõ bản thân và mối quan hệ hôn nhân của mình ở những góc cạnh khác nhau. Tục ngữ có câu “đèn thì tối cọc”, chuyên gia có thể giúp bạn nhìn thấy phần “tối’ và giúp bạn bước ra khỏi nơi đó. Thời gian ly thân thực sự phù hợp để bạn được chuyên gia giúp bạn phẫu thuật tận gốc nỗi đau bị chôn vùi.
Việc ly thân không nhất thiết là đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ. Đó là cơ hội để khởi đầu một chương mới, tích cực và bền vững hơn nếu cả hai cùng nỗ lực và đồng lòng. Bạn có thể chấm dứt hôn nhân hoặc quyết định hàn gắn sự rạn nứt tùy vào kết quả của thời gian ly thân. Dù bạn quyết định điều gì thì ly thân là một khoảng lặng cần thiết, có giá trị để bạn quyết định sáng suốt và đúng đắn nhất.
Chúc bạn luôn có quyết định sáng suốt!
Dịch vụ đồng hành 1:1 Tư vấn pháp luật và bình an nội tâm trong hôn nhân được may đo dành cho bạn, nếu bạn là người được mô tả trong dịch vụ này nhé!
Biết ơn bạn đã ghé thăm Phunulangyen!
"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên 1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được." (Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13).
Bài viết cùng chủ đề