Hôn nhân không chỉ là một hành trình yêu thương mà còn là sự đồng hành, sẻ chia, đồng cam cộng khổ. Trong đó, bình đẳng giữa vợ và chồng đóng vai trò cốt lõi, giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho hôn nhân hạnh phúc. Vợ chồng bạn đã bình đẳng chưa?

1. Hiểu về bình đẳng trong hôn nhân


Bình đẳng trong hôn nhân không đơn thuần là sự phân chia công việc hay quyền lợi ngang nhau mà còn là sự tôn trọng lẫn nhau ở mọi khía cạnh. Điều này có nghĩa cả vợ và chồng đều được lắng nghe, thấu hiểu, và đồng hành trong mọi quyết định trong cuộc sống.

Trong thời hiện đại, bình đẳng còn phản ánh sự phát triển văn minh của xã hội. Trong quá khứ, vai trò của người vợ thường bị giới hạn trong việc nội trợ, chăm sóc con cái. Ngày nay, sự tiến bộ của xã hội đã mở ra cơ hội để cả nam và nữ đều được tham gia, cống hiến ngang nhau trong gia đình và ngoài xã hội.

2. Các khía cạnh thể hiện sự bình đẳng trong hôn nhân


Về đời sống tinh thần, bình đẳng bắt đầu từ việc tôn trọng ý kiến và tự do cá nhân của mỗi người. Mỗi vợ chồng đều có quyền bày tỏ quan điểm, sở thích và đưa ra quyết định liên quan đến đời sống riêng mà không bị kiểm soát hoặc áp đặt.
Việc lắng nghe nhau với thái độ trân trọng giúp vợ chồng cảm thấy được yêu thương và ghi nhận giá trị của mình trong quan hệ hôn nhân. Có vợ/chồng người đồng hành chân thành, sát cánh giúp chúng ta cảm thấy an toàn và có động lực mạnh mẽ để hoàn thiện phiên bản tốt nhất của chính mình.

Đối với tài sản, luật hôn nhân và gia đình quy định, vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong việc quản lý, sử dụng tài sản chung. Điều này không chỉ đảm bảo sự công bằng mà còn giúp xây dựng niềm tin và trách nhiệm chung về mặt tài chính.
Việc minh bạch trong quản lý tài sản giúp giảm thiểu xung đột, đặc biệt là những mâu thuẫn liên quan đến chi tiêu sinh hoạt hoặc đầu tư lớn. Điều này không có nghĩa là phân chia rạch ròi “tiền anh”, “tiền tôi” mà là những khoản nào sẽ góp chung, những khoản nào thì mỗi người được tự do chi tiêu cho nhu cầu cá nhân.


Về quan hệ gia đình, bình đẳng là chùng nhau chia sẻ các công việc trong gia đình, từ việc nhà đến chăm sóc con cái. Những công việc này chỉ là “việc vặt” nhưng không chung tay thì nó trở thành một quả bom có sức phá hủy hôn nhân. Ngược lại, chia sẻ việc nhà không chỉ giúp giảm gánh nặng cho một phía mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng và tình yêu thương của vợ chồng.

3. Lợi ích của bình đẳng trong hôn nhân


Tạo sự gắn kết và hòa hợp: Khi cả vợ và chồng đều cảm thấy được tôn trọng, giá trị của mối quan hệ sẽ được nâng cao. Sự gắn kết không chỉ xuất phát từ tình yêu mà còn từ sự đồng cảm và chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống.


Xây dựng gia đình hạnh phúc: Bình đẳng giúp tạo ra một môi trường gia đình hòa thuận, nơi mọi thành viên đều cảm thấy được yêu thương và an toàn. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một tổ ấm lành mạnh và bền vững.

Vợ chồng giúp nhau trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình: Hẳn bạn có cảm nhận, một lời động viên của vợ/chồng sẽ giúp bạn có thêm nghị lực gấp bội để vượt qua khó khăn. Ngược lại một lời chê của chồng/vợ có thể nhấn chìm mọi nỗ lực bản thân, thậm chí khiến bạn tin rằng, mình là người không có giá trị. Vợ chồng bình đẳng sẽ giúp mỗi người có động lực hoàn thiện phiên bản tốt nhất của mình.


Nuôi dưỡng thế hệ tương lai: Các con lớn lên trong một gia đình bình đẳng sẽ học được cách tôn trọng người khác, biết chia sẻ và sống có trách nhiệm. Đây là nền tảng để các con phát triển thành những cá nhân tích cực và độc lập trong cuộc sống.

Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng
 Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan. (Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13)

4. Thách thức bạn phải đối mặt


Vợ chồng bình đẳng trong hôn nhân là một lý thuyết tuyệt vời nhưng thực tế thì không dễ dàng chút nào. Bạn có thể sẽ gặp những rào cản như:

Những quan niệm truyền thống không phù hợp thời đại: Trong nhiều gia đình, quan niệm truyền thống vai trò vợ lo việc trong nhà, không được xem là quan trọng còn chồng lo đi làm việc bên ngoài, tham gia các mối quan hệ xã hội được xem là rất lớn lao và quan trọng. Quan điểm này không còn phù hợp với thực tế gây ra xung đột âm thầm dẫn đến mâu thuẫn trầm trọng vì vị thế chồng cao, vợ thấp trong gia đình.


Môi trường xung quanh không ủng hộ vợ chồng bình đẳng: Hàng xóm láng giềng, nơi làm việc, anh em họ hàng hai bên đều không ủng hộ quan niệm vợ chồng bình đẳng. Ở những môi trường này thậm chí còn dè bỉu, coi thương người chồng vì “làm những việc đàn bà”, “chỉ biết lo cho gia đình”, “chỉ biết vợ con” hay mặc định “vợ thì phải làm việc nhà, chăm con”, “con hư tại mẹ”…


Bản thân vợ chồng chưa nhận thức rõ ràng, sâu sắc: Người chồng chưa hiểu được là mình cần chia sẻ, gánh vác công việc và trách nhiệm chung với vợ. Đó là nghĩa vụ làm chồng mà luật hôn nhân và gia đình đã quy định. Người vợ chấp nhận mọi sự áp đặt, định kiến, văn hóa trong việc vợ phải như thế này và chưa hiểu rõ quyền bình đẳng mà pháp luật bảo vệ.

5. Làm thế nào để vượt qua rào cản?


Việc thay đổi nhận thức đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực, nhiều thời gian và sự khéo léo từ cả hai phía. Một số giải pháp sau đây bạn có thể áp dụng:

Lắng nghe và chia sẻ: Gạt qua hết mọi định kiến, mô tuýp cũ, vợ chồng ngồi xuống lắng nghe nhau và cùng tìm giải pháp. Đối thoại chân thành là chìa khóa giúp cả hai thấu hiểu nhau.


Sự linh hoạt và cảm thông: Bình đẳng không có nghĩa là phân chia công việc hoặc trách nhiệm một cách máy móc mà cần sự mềm mại, linh hoạt để phù hợp với từng hoàn cảnh. Cách tốt nhất là cùng nhau thảo luận và chủ động ứng biến linh hoạt trong cuộc sống. Vợ chồng cùng xây dựng sự bình đẳng trong tâm thế yêu thương, cảm thông và trách nhiệm.

Vo chong binh dang la nen tang cua hon nhan hanh phuc

Đồng vợ, đồng chồng tát biển đông cũng cạn


Mỗi người đều tự tin và hiểu rõ giá trị, vai trò bản thân: Trong gia đình, mỗi người có một vai trò nhất định. Vì vậy vợ chồng cần biết thế mạnh của nhau để trân trọng và phát huy điều đó. Tin vào thế mạnh đó, bạn sẽ không còn lung lay bởi những ý kiến thiếu xây dựng bên ngoài.


Học cách giao tiếp tích cực: Chọn thời điểm trò chuyện thích hợp, dùng ngôn ngữ tích cực, xây dựng để góp ý với nhau. Thay vì tranh cãi, chúng ta chọn cách diễn đạt nhẹ nhàng nhưng thuyết phục để các bên thấy dễ chịu, hợp lý mà thay đổi.

Một bàn tay không tạo nên tiếng vỗ. Vợ chồng bình đẳng trong hôn nhân cần sự nỗ lực từ cả hai phía, đặc biệt cần thời gian, sự kiên trì và khéo léo. Bình đẳng trong hôn nhân giúp xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững và đầy yêu thương. Mỗi chúng ta, dù là vợ hay chồng, đều có trách nhiệm thực hiện và cam kết bảo đảm sự bình đẳng này.


Nếu bạn đang tìm cách cân bằng và tạo dựng hạnh phúc trong hôn nhân, bạn có thể tự tin đi một mình. Khi bạn bối rối hay cần một người chỉ đường để tiết kiệm thời gian, công sức thì đừng ngần ngại tìm người hỗ trợ.


Là một người đã tự đi trên hành trình này và cũng học hỏi từ rất nhiều người thầy giỏi, mình hiểu cả hai cách trên đều giúp bạn thành công. Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có bạn mới là người quyết định cách nào phù hợp cho bạn. Tương lai hôn nhân của bạn phụ thuộc vào quyết định ngày hôm nay của chính bạn.


Khi cần một người đồng hành cùng bạn để gỡ rối, tìm hướng đi phù hợp, thực hành bạn đừng ngần ngại để lại lời nhắn cho mình.

Dịch vụ đồng hành 1:1 Tư vấn pháp luật và bình an nội tâm trong hôn nhân được may đo dành cho bạn, nếu bạn là người được mô tả trong dịch vụ này nhé!


Chúc bạn luôn tìm được con đường đi phù hợp với mình.
Biết ơn bạn đã ghé thăm Phunulangyen!

Bài viết cùng chủ đề

Leave a Reply