Tâm thế mới trước biến chuyển thị trường

Đại dịch Covid-19 đi qua đặt ra vấn đề mới về việc làm. Một số công việc có thể không cần người lao động làm việc tại chỗ. Công việc đó có thể thuê dịch vụ bên ngoài thay vì nuôi lao động với chi phí văn phòng và nhiều chế độ theo luật. Nếu không có đại dịch, không có khó khăn, có thể nhiều doanh nghiệp không nghĩ tới điều này. Bài toán cần giải là cân đối giữa chi phí và hiệu quả công việc khi chuyển đổi lao động làm việc từ xa hoặc sử dụng lao động bên ngoài. Sau hai năm trải nghiệm, thời điểm này là lúc doanh nghiệp có thể biết được đâu là phương án có lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc thay đổi công nghệ, tái cấu trúc tổ chức hoạt động cũng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn này trước tác động của nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Thêm một lần nữa, doanh nghiệp được đặt vào tình thế phải cân nhắc chi phí và hiệu quả sử dụng lao động.

Lao động có thể không trở lại lao động

Khi doanh nghiệp tái cơ cấu lại tổ chức hoạt động, người lao động sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Hệ quả xấu nhất là mất việc làm. Trong tình huống này, người lao động thuộc đối tượng mất việc làm do thay đổi cơ cấu cần biết một số thông tin pháp lý về trách nhiệm của doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều 42 Bộ luật Lao động quy định doanh nghiệp phải có một số nghĩa vụ trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Việc thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế khiến cho nhiều người lao động bị mất việc làm còn phải tuân thủ theo những thủ tục do luật định.

Khoản tiền trợ cấp mất việc, các chế độ khác liên quan có thể là một nguồn thu nhập đáng kể để người lao động yên tâm ổn định cuộc sống sau khi mất việc làm. Điều quan trọng hơn là người lao động cần chuẩn bị tâm thế có thể mất việc, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Covid-19 và khủng hoảng kinh tế đem đến cho doanh nghiệp những bài toán về quản trị, cũng mang đến cho người lao động những cơ hội và thách thức về việc làm. Công việc hiện tại không phải là mãi mãi. Vị trí công việc của mình có thể được thay thế bởi dịch vụ bên ngoài, máy móc hoặc thậm chí biến mất do thị trường không cần nữa. Người lao động cần chấp nhận thực tế đó và luôn chuẩn bị cho mình một cơ hội nghề nghiệp khác.

Người lao động trong thời đại này nên xem bản thân như một “doanh nghiệp nhỏ”. “Doanh nghiệp” của mình cũng có những lúc khó khăn, lúc thuận lợi. Người lao động cần chuẩn bị khả năng thích nghi, sẵn sàng thử sức cùng một số kỹ năng cần thiết để bắt đầu một công việc mới. Cả người lao động và doanh nghiệp đều phải đối mặt với tình huống sẽ có những cánh cửa đóng lại và sẵn sàng đón cánh cửa mới mở ra, doanh nghiệp và người lao động sẽ tìm thấy cơ hội mới để phát triển.

P/S: Link trên thesaigontimes ở đây.

Bạn có thể thích

Leave a Reply